Say nghề sản xuất, cải tiến máy móc phục vụ nông nghiệpnew

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1452 | Cật nhập lần cuối: 3/1/2016 7:54:07 AM | RSS

Là thợ cơ khí chuyên ngành cơ khí nông nghiệp, sau thời gian công tác tại Xí nghiệp Cơ khí lương thực tỉnh Tiền Giang, năm 1992 anh Thuận thành lập Cơ sở cơ khí Mười Thuận, chuyên sản xuất, lắp đặt máy sấy lúa vỉ ngang, sửa chữa máy nông nghiệp. Với vốn kiến thức về cơ khí và tay nghề thành thạo, anh đã sản xuất, cải tiến thành công nhiều loại máy máy móc phục vụ ngành nông nghiệp như máy sấy lúa vỉ ngang, máy cày tay, máy phóng lúa...

may_cuon_rom_Thuan1.jpg
Máy cuốn rơm do anh Thuận sáng chế đang vận hành cuốn rơm

Anh Thuận chia sẻ ý tưởng để anh chế tạo máy cuốn rơm tự hành là nhận thấy bà con cần một thiết bị cơ giới thu gom rơm trên đồng ruộng thay vì phải thu gom thủ công rất tốn thời gian và công lao động. Một số loại máy cuốn rơm hiện có sử dụng bánh hơi nên không phù hợp với đồng ruộng nhiều sình lầy như ở huyện Chợ Gạo nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Để làm chiếc máy cuốn rơm theo ý tưởng, trước tiên anh Thuận mua động cơ máy gặt đập liên hợp đã qua sử dụng của Nhật Bản, sau đó nghiên cứu chế tạo thành máy cuốn rơm theo ý tưởng riêng của mình. Với sự kiên trì và đam mê nghiên cứu, làm đi, làm lại nhiều lần, giữa năm 2015, anh Thuận đã sáng chế thành công và cho ra đời máy cuốn rơm tự hành mang thương hiệu “Mười Thuận”. Máy được đưa vào vận hành thử nghiệm tại một số ruộng lúa vụ đông xuân 2014 - 2015 ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo. Kết quả cho thấy máy có nhiều tiện lợi, giúp ích cho nông dân trong việc thu gom rơm sau khi thu hoạch lúa. Máy có công suất 19 mã lực (HP), tổng trọng lượng 732 kg, di chuyển bằng xích cao su nên phù hợp với địa hình ở đồng bằng sông Cửu Long. Máy có các bộ phận chính gồm động cơ, khung sườn và bộ phận cuốn rơm, bộ phận ép rơm thành cuộn, buộc dây và nhả rơm. Máy được gọi là tự hành do bộ phận cuốn rơm, ép rơm cùng nằm trên khung sườn nên vận hành rất tiện lợi. Bên cạnh đó, máy vận hành chỉ với một người điều khiển, thao tác điều khiển đơn giản, do máy tự động cấp chỉ, cột, cắt và mở - đóng nắp sau.

Máy còn có ưu điểm nổi bật là lấy rơm triệt để, có thể thu gom rơm bị ẩm ướt, đồng thời chạy trên mọi địa hình và mọi điều kiện, kể đồng lầy do máy sử dụng bánh xích. Máy có khả năng cuốn rơm trên đồng ruộng với diện tích 1,5 ha/ngày. Theo thiết kế, máy hoạt động ở 3 chế độ: tự động, bán tự động và dự phòng. Theo đó, máy hoạt động ở chế độ tự động khi rơm được cuốn đầy, hộp điều khiển điện tử sẽ dừng máy kéo xích, bật tín hiệu âm thanh (loa) để báo, đưa chỉ cột vào để cột. Sau khi cột và cắt chỉ xong, hộp điều khiển sẽ mở nắp sau nhả rơm ra rồi đóng nắp lại, sau đó điều khiển máy kéo xích di chuyển và tắt loa. Ở chế độ bán tự động, máy sử dụng chế độ này khi người lái muốn thay đổi khối lượng cuộn rơm hoặc khi chế độ tự động bị hỏng một phần. Khi rơm đầy, loa sẽ báo cho người lái biết để điều khiển cột và nhả rơm (việc điều khiển này do người lái điều khiển thủ công bằng nút bấm điện). Đối với chế độ dự phòng được sử dụng khi hệ thống điều khiển điện tử bị hỏng hoàn toàn. Khi hệ thống điện tử hỏng, máy được điều khiển hoàn toàn thủ công qua các nút bấm trên bảng điều khiển

Do sử dụng phụ tùng nội địa và một số nguyên, phụ liệu tái chế là chủ yếu nên giá thấp hơn nhiều so với các loại máy cuộn rơm khác. Giá máy 120 triệu đồng, chưa bằng 50% so với chiếc máy cùng loại do Nhật Bản sản xuất. Theo ông Nguyễn Phi Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, máy cuốn rơm tự hành giúp bà con, đặc biệt là các hộ chăn nuôi bò tiết kiệm được chi phí. Trước đây, người chăn nuôi phải tự bó rơm thủ công và gánh về, rất tốn nhân công. Với máy cuốn rơm này bà con chỉ việc chất rơm đã được cuốn sẵn lên xe chở về.

Anh Nguyễn Ngọc Thuận cho hay anh sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng cao công suất của máy để gia tăng sản lượng rơm cuốn, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng./.

Theo TTXVN