Ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lê siêu ngọt
Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Liên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc, cho biết: dưa lê là loại cây trồng ngắn ngày, sinh khối lớn, luôn chịu sự tấn công của nhiều loại sâu bệnh và dịch hại, đồng thời cho thu hoạch quả sau khoảng 50 ngày gieo trồng.
Để đảm bảo năng suất, người nông dân sử dụng nhiều loại hóa chất bảo vệ thực vật và đã xảy ra một số ca ngộ độc cấp cứu, liên quan đến những loại hóa chất tồn dư trong dưa lê.
Áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICP) bằng quản lý dịch hại hợp lý, xử lý môi trường đất trước khi trồng, đảm bảo môi trường thông thoáng và giữ vệ sinh đồng ruộng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc đã đưa hệ thống nhà lưới đơn giản vào trồng dưa lê sạch và siêu ngọt, đem lại kết quả rất tích cực.
Dưa lê sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều hoa cái, dễ đậu quả, dưa ra quả có vỏ màu xanh sáng, thịt quả dày, ăn giòn, ngon, đặc biệt không bị sâu phá hại trên quả như giống dưa cùng loại khi trồng ngoài trời, năng suất thu hoạch đạt từ 7,5 đến 8 tạ/sào.
Ước tính, toàn mô hình sẽ đạt trên 7 triệu đồng/sào và thu lãi trên 6 triệu đồng/sào, trừ mọi chi phí thu nhập cao gấp 4 lần so với trồng lúa.
Mô hình này đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình xử lý đất, hạt giống trước khi trồng và chế độ bón phân hợp lý.
Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ tình hình sinh trưởng của cây, tỉa nhánh bên, lá già tạo môi trường thông thoáng để giữ vệ sinh đồng ruộng và tạo mối quan hệ cân bằng giữa cây trồng và môi trường bên ngoài, giảm thiểu sự xâm lấn của dịch hại./.
Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
Nguồn: Vietnam+