Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnhnew

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1145 | Cật nhập lần cuối: 1/15/2016 10:08:48 AM | RSS

Nuôi vịt trong phòng lạnh tại hộ gia đình ông Phạm Văn Đạo, xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành). Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nuôi vịt trong phòng lạnh tại hộ gia đình ông Phạm Văn Đạo, xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành). Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Thực trạng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã và đang triển khai thực hiện.

Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật: Đã xây dựng mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng tại HTX Phước Hải do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đầu tư năm 2007, đồng thời Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chuyển giao ứng dụng CNTT điện tử trong quản lý sản xuất và quảng bá sản phẩm rau an toàn. Hiện nay đã áp dụng có hiệu quả trên diện tích thí điểm 7,8ha trồng rau an toàn của HTX. Tại xã Kim Long (huyện Châu Đức) đã xây dựng mô hình nhà màng sản xuất dưa lưới, diện tích 2.000m2, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, được chứng nhận VietGAP. Trại hoa lan Minh Ngân, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) đã đầu tư 1 phòng nuôi cấy mô nhân giống hoa lan, công suất 500 ngàn cây/năm, chủ động cung cấp nguồn giống cho địa phương.

Ứng dụng công nghệ cơ điện trong sản xuất: Ứng dụng mô hình công nghệ tưới nước tiết kiệm cho diện tích 263ha, phổ biến với nhiều hình thức khác nhau như: tưới phun gốc, tưới nhỏ giọt và một số hộ đã áp dụng cung cấp phân bón, thuốc BVTV cho cây qua hệ thống tưới này. Ứng dụng công nghệ máy gặt đập liên hợp, toàn tỉnh có 78 máy máy gặt đập liên hợp, bảo đảm 99% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, giảm bớt công lao động thời vụ và giảm hao hụt sau thu hoạch lúa từ 3-5%. Điều khiển sinh trưởng, phát triển cây trồng bằng ánh sáng với tổng diện tích áp dụng 104,6ha gồm 92 ha cây thanh long ở huyện Tân Thành và Xuyên Mộc; 12,6ha cây hoa cúc ở phường Kim Dinh, TP Bà Rịa.

Ngoài ra, còn có một số dự án đang đầu tư như: Dự án đầu tư sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn Việt GAP tại xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, quy mô 9ha. Dự án trang trại bò sữa Bà Rịa-Vũng Tàu, quy mô 1.000 con, ứng dụng công nghệ quản lý đàn và dinh dưỡng của châu Âu và Isarel tại xã Sông Xoài (huyện Tân Thành)

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi: Trong chăn nuôi gà, đã có 18 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao (chuồng lạnh, tự động hóa chăm sóc, nuôi dưỡng) chiếm 42,4% tổng đàn gà toàn tỉnh; 3 trại gà giống bố mẹ với tổng đàn 16.000 con và 2 trại gà đẻ trứng với tổng đàn 200.000 con; 1 trại nuôi vịt siêu thịt với tổng đàn 160.000 con ứng dụng nghệ bán tự động. Trong chăn nuôi heo, có 14/134 trang trại áp dụng công nghệ chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng… theo quy trình chăn nuôi tiên tiến, chiếm 15,4% tổng đàn heo toàn tỉnh.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, mặc dù chưa hình thành được các khu, vùng và doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nhưng trên thực tế, một số công nghệ cao đã được tiếp cận, chuyển giao và thực hiện ở các lĩnh vực đều có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc quản lý sản xuất. Tuy nhiên, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao còn ở mức thấp, rải rác, mới ứng dụng từng phần, chưa đồng bộ thành một hệ thống đối với từng loại cây trồng, vật nuôi; chưa phát triển với quy mô lớn thành từng vùng NNCNC; số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế.

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới đang được nhân rộng tại xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ).
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới đang được nhân rộng tại xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ).

Giải pháp phát triển NNCNC

Từ những tồn tại và bất cập nêu trên, để thúc đẩy phát triển NNCNC trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Về chủ trương phát triển Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Cần sớm được hình thành, trước mắt cần tập trung hình thành các vùng chuyên canh ứng dụng NNCNC cho các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, thủy sản có lợi thế so sánh, cạnh tranh cao của tỉnh như: rau, hoa, hồ tiêu, nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu, bắp, heo, gia cầm, thủy sản nuôi như: tôm, cua, ghẹ, hào… thời gian thực hiện tập trung từ năm 2016 – 2020.

Về xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ƯDCNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, có ghi danh mục Khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tỉnh có thể triển khai khâu chuẩn bị đầu tư thực hiện xây dựng Khu NNCNC của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời chuẩn bị quy hoạch tổng thể 1/2000, Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu NNCNC.

Xây dựng Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC: Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ hoàn thiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh BRVT trình UBND tỉnh, Tỉnh ủy xem xét, phê duyệt để sớm triển khai thực hiện.

Lập quy hoạch, xây dựng các dự án đầu tư các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Trước mắt cho các sản phẩm lợi thế so sánh có sức cạnh tranh cao của tỉnh BRVT như: Hồ tiêu, nhãn xuồng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, rau, quả, hoa cây cảnh, bắp, chăn nuôi gà, heo, tôm, cua, ghẹ, hào… Công nghệ ứng dụng: sử dụng giống chất lượng cao, giống chuyển gen, hệ thống tưới tiết kiện nước kết hợp phân bón cho các loại cây trồng như: tiêu, cà phê, cây ăn quả, rau, hoa; nghiên cứu phát triển loại nhà lưới, nhà màng phục vụ sản xuất rau ăn lá, rau ăn quả, hoa; hệ thống chuồng kín, chuồng lạnh kết hợp tự động hóa trong thức ăn, nước uống, chăm sóc, quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi…

Tổ chức khảo sát để xác định thống nhất quy hoạch vị trí xây dựng đề án thành lập, quy chế tổ chức hoạt động Khu NNCNC của tỉnh: Quy hoạch 2 phân khu bao gồm: khu NNCNC đối với trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp trên địa bàn xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, diện tích dự kiến 150 - 200ha. Khu NNCNC nuôi trồng thủy sản thuộc 2 xã Phước Thuận (Xuyên Mộc) và Lộc An (Đất Đỏ), diện tích dự kiến 50 – 60ha.

Khảo sát, lựa chọn để công nhận doanh nghiệp và vùng NNCNC: Doanh nghiệp NNCNC cần đáp ứng đủ 5 tiêu chí theo Điều 5 Luật Công nghệ cao (CNC) và được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại điều 9 Luật CNC, các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật và cũng là cơ sở để doanh nghiệp chuyển giao công nghệ và xây dựng thương hiệu.

Liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp CNC: Kêu gọi các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia thu mua, chế biến, tìm thị trường tiêu thụ 1 loại sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, giúp người nông dân tăng thu nhập. Gắn với việc hình thành các Vùng NNCNC phải tổ chức hợp tác liên kết sản xuất giữa những hộ nông dân thành tổ hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nhằm tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, kênh phân phối.

Đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho NNCNC: Đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan trực thuộc Sở và các địa phương đảm bảo để đội ngũ này đủ khả năng tiếp thu, vận hành tốt những công nghệ mới được chuyển giao. Tuyển chọn, cử đi đào chuyên môn sâu để tăng cường đội ngũ cán bộ nghiên cứu, chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý về lĩnh vực công nghệ cao trong nông nghiệp. Mỗi đề tài, dự án về NNCNC cần có hoạt động đào tạo theo chuyên đề ở trong và ngoài nước để đội ngũ này có thể tiếp nhận, vận hành công nghệ phù hợp với mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ được phê duyệt.

Thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Xây dựng chuyên mục giới thiệu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm NNCNC của tỉnh trên website của Sở NN-PTNT và của tỉnh; tiếp tục xây dựng, quảng bá thương hiệu các loại hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Xây dựng chợ đầu mối nông sản; Xây dựng mối liên kết giữa các hợp tác xã với các siêu thị và hệ thống bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm NNCNC.

(Theo Sở NN&PTNT)