Một số bệnh hại trên cây trồng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Xem: 427 | Cật nhập: 8/21/2020 3:25:37 PM | RSS

Một số bệnh hại trên cây trồng

BỆNH HẠI CÂY TRỒNG

1 - Bệnh thối gốc (Phoma ligam)

1.1. Triệu chứng gây hại, điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

- Triệu chứng ban đầu là những vết nứt thối trũng xuất hiện trên gốc thân cây và sau này có thể xuất hiện trên lá, có hình đốm tròn màu nâu nhạt. Những cây bị bệnh thường có kích thước nhỏ hơn.

- Các vết thối mục lan rộng và bao lấy thân phía trên mặt đất, làm cho cây bị héo và đổ. Thân cây khô và hoá gỗ, mô cây chuyển màu đen, đôi khi có viền đỏ tía.

- Bệnh do nấm Phoma ligam gây hại cho cả cây con và cây lớn.

- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ 150C và ẩm độ không khí cao. Tồn tại trên hạt giống và tàn dư cây bệnh.

1.2. Biện pháp phòng trừ

- Luân canh cây trồng

- Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng nước ấm trong 30 phút.

- Vệ sinh đồng ruộng và tiêu hủy cây bị bệnh triệt để. Mùa mưa cần lên luống cao, thoát nước tốt.

- Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 01 hoạt chất đơn Trichoderma viride với 03 tên thương phẩm đăng ký trừ bệnh thối gốc trên rau họ thập tự, trong đó bán phổ biến tại Lâm Đồng là Biobus 1.00WP

2 - Cháy lá vi khuẩn (Xanthomonas campestris)

2.1. Triệu chứng gây hại, điều kiện phát sinh phát triển bệnh

- Bệnh gây hại ở cả cây giống và cây đã lớn. Lá của những cây giống nhiễm bệnh chuyển sang màu vàng và rụng trước khi cây lớn.

- Trên cây lớn hơn, vết bệnh có màu vàng, hình chữ V xuất hiện trên rìa lá với mũi nhọn hướng vào trong. Những vết bệnh này lan dần vào giữa lá. Diện tích bị nhiễm bệnh chuyển sang màu nâu, các mô cây bị chết. Gân lá ở những vùng bị nhiễm chuyển màu đen có thể nhìn thấy khi cắt lá.

- Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas campestris gây ra, vi khuẩn phát triển thích hợp ở nhiệt độ 30 - 320C, pH = 7,4. Tồn tại trong tàn dư cây trồng và trong hạt giống. Vi khuẩn xâm nhập qua vết thương do côn trùng hoặc cơ giới, mưa gió.

2.2. Biện pháp phòng trừ

- Khử trùng hạt giống trước khi gieo bằng nước ấm 50oC trong 30 phút để diệt vi khuẩn bám dính trên hạt giống.

- Luân canh cây trồng trong thời gian ít nhất là 3 năm

- Bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm.

- Vệ sinh đồng ruộng triệt để sau khi thu hoạch.

- Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 01 hoạt chất Copper hydroxide (DuPontTM KocideÒ 46.1 DF) đăng ký trừ bệnh cháy lá vi khuẩn trên rau họ thập tự.

3 - Bệnh thối nhũn (Erwinia carotovora)

3.1. Triệu chứng gây hại và điều kiện phát sinh phát triển bệnh

- Vết bệnh đầu tiên thường xuất hiện ở các cuống lá già phía dưới gần mặt đất, tạo thành những đốm mọng nước, sau đó thối nhũn. Vết bệnh theo cuống lá phát triển lên phía trên làm cho cả lá bị vàng và thối nhũn. Các lá phía trên cũng có thể bị bệnh và cả cây bị thối.

- Vi khuẩn phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ 27 - 300C, pH thích hợp 7,2. Tồn tại trên các tàn dư cây trồng và xâm nhập qua vết thương.

3.2. Biện pháp phòng trừ

- Làm đất kỹ, vệ sinh đồng ruộng triệt để trước khi trồng.

- Luân canh cây trồng.

- Bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm, trong điều kiện mùa mưa cần tăng cường bón kali.

- Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 13 hoạt chất dạng đơn với 40 tên thương phẩm, 07 hoạt chất dạng hỗn hợp với 08 tên thương phẩm đăng ký trừ bệnh thối nhũn trên rau họ thập tự, trong đó bán phổ biến tại Lâm Đồng là:

+ Copper Hydroxide (DuPontTM KocideÒ 46.1 WG);

+ Metalaxyl (Alfamil 25WP);

+ Ningnanmycin (Supercin 20SL);

+ Streptomycin sulfate (Kaisin 100WP , Stepguard 40TB);

+ Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP);

+ Copper Oxychloride + Kasugamycin (New Kasuran 16.6WP);

+ Oxytetracycline + Streptomycin (Miksabe 100WP).

4 - Bệnh sương mai (Peronospora parasitica)

4.1. Triệu chứng gây hại và điều kiện phát sinh phát triển bệnh

- Bệnh gây hại từ khi cây còn nhỏ trong vườn ươm cho đến khi cây lớn. Trên lá mầm và các lá thật của cây con xuất hiện những đốm nhỏ màu vàng hoặc nâu. Trên cây lớn vết bệnh là những đốm tròn hoặc hình dạng bất định màu vàng nâu, trên đó có lớp mốc như lông mịn màu xanh đen. Vết bệnh ở dưới mặt lá được bao phủ một lớp trắng xốp như sương. Sau một thời gian vết bệnh khô lại, có màu nâu hoặc đen. Các vết bệnh lan rộng liên kết với nhau thành mảng cháy lớn trên lá, lá vàng và rụng.

- Bệnh phát triển trong điều kiện thời tiết mát mẻ (10 - 150C) và ẩm ướt. Nấm bệnh tồn tại trên hạt giống, tàn dư cây trồng.

4.2. Biện pháp phòng trừ

- Trồng cây với mật độ hợp lý.

- Vệ sinh đồng ruộng triệt để.

- Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 04 hoạt chất dạng đơn với 04 tên thương phẩm, 02 hoạt chất dạng hỗn hợp với 02 tên thương phẩm đăng ký trừ bệnh sương mai trên rau họ thập tự, trong đó bán phổ biến tại Lâm Đồng là:

+ Chitosan (Biogreen 4.5 SL);

+ Chlorothalonil (Forwanil 75WP);

+ Mancozeb + Metalaxyl (Tungsin-M 72WP , Vimonyl 72 WP).

5 - Bệnh thối hạch (Sclerotinia sclerotiorum)

5.1. Triệu chứng gây hại và điều kiện phát sinh phát triển bệnh

- Ơ cây con, bệnh xuất hiện ở gốc cây sát mặt đất làm cho chỗ bị bệnh thối nhũn, cây gãy gục rồi chết. Khi trời ẩm ướt trên gốc chỗ bị bệnh xuất hiện một lớp nấm màu trắng xốp.

- Khi cây lớn, vết bệnh thường xuất hiện trên các lá già sát gốc hoặc phần gốc thân, chỗ bị bệnh thối nhũn nhưng không có mùi thối. Nếu trời khô nắng thì chỗ bị bệnh thường khô và teo đi, các lá biến vàng.

- Trên phiến lá và cuống lá chỗ bị bệnh có màu trắng bủng nước, bắt đầu từ rìa lá lan vào phía trong. Khi trời ẩm ướt, lá bị bệnh sẽ thối rách nát nhưng nếu trời khô hanh lá bệnh khô mỏng, màu nâu bẩn.

- Ở cây cải bắp khi đã cuốn, bệnh lây lan từ lá ngoài vào trong làm toàn bộ bắp bị thối và chết đứng trên ruộng, gặp gió to cây đổ gục. Chỗ vết bệnh đã thối có lớp mốc trắng và nhiều hạch nấm nhỏ màu nâu hoặc đen bám chặt vào lá.

- Bệnh phát triển thích hợp ở nhiệt độ 19 - 240C, pH: 5 - 8, tồn tại chủ yếu ở dạng hạch trên tàn dư cây bệnh và trong đất.

5.2. Biện pháp phòng trừ

- Trồng cây giống sạch bệnh

- Vệ sinh đồng ruộng triệt để

- Luân canh với cây trồng khác họ như hành, cà rốt

- Bón phân cân đối.Tăng lượng phân chuồng hoai có tác dụng kích thích cây khỏe và hạn chế được sự phát triển của bệnh.

- Bón mỗi sào (1.000 m2) 9 - 12 kg nấm Trichoderma ĐHCT bằng cách rải trực tiếp vào đất hoặc trộn với phân chuồng ủ 1 tuần trước khi trồng.

- Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 03 hoạt chất dạng đơn với 04 tên thương phẩm đăng ký trừ bệnh thối hạch trên rau họ thập tự gồm:

+ Trichoderma viride (Biobus 1.00WP);

+ Prochloraz-Manganese complex (Trinong 50WP);

+ Trichoderma spp: (Promot Plus WP);

6 - Bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia solani)

6.1. Triệu chứng gây hại và điều kiện phát sinh phát triển bệnh

- Bệnh phát hiện trên cây sau khi được trồng trên ruộng. Những vết bệnh lõm màu hơi sẫm phát triển trên các lá phía dưới gần đất. Cây bị bệnh yếu, bắp nhỏ, đôi khi héo và chết. Trong điều kiện ẩm ướt bệnh lây lan sang các lá bên cạnh và gây thối bắp. Toàn bộ bắp có thể bị thối khô, bắt đầu từ những lá bao phía ngoài. Trên chỗ thối có các hạch nhỏ màu nâu.

- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ẩm ướt và nhiệt độ trong đất cao.

6.2. Biện pháp phòng trừ

- Vệ sinh đồng ruộng.

- Luân canh cây trồng.

- Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 06 hoạt chất dạng đơn với 07 tên thương phẩm, 02 hoạt chất dạng hỗn hợp với 03 tên thương phẩm đăng ký trừ bệnh lở cổ rễ trên rau họ thập tự, trong đó bán phổ biến tại Lâm Đồng gồm:

+ Copper citrate (Heroga 6.4SL);

+ Cytokinin (Etobon 0.56SL);

+ Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP);

+ Kasugamycin + Streptomycin sulfate (Teamgold 101WP);

+ Polyphenol chiết suất từ cây núc nắc và lá, vỏ cây liễu (Chubeca 1.8SL)

7 - Bệnh sưng rễ (Plasmodiophora brassicae W)

7.1. Triệu chứng

Bệnh gây hại trên bộ rễ của cây (rễ chính và rễ bên). Bộ phận rễ bị biến dạng sưng phồng lên, có các kích cỡ khác nhau tùy thuộc thời kỳ và mức độ nhiễm bệnh.

Cây dần dần biểu hiện các triệu chứng sinh trưởng chậm, cằn cỗi, lá biến màu xanh bạc, có biểu hiện héo vào lúc trưa nắng, sau đó phục hồi vào lúc trời mát, khi bị nặng toàn thân cây héo rũ kề cả khi trời mát, lá chuyển màu xanh bạc, nhợt nhạt, héo vàng và cây bị chết hoàn toàn.

Bệnh hại tấn công vào vùng rễ, gây biến dạng, làm giảm khả năng hút nước, dinh dưỡng và khả năng chống chịu của cây, dẫn đến việc xâm nhập dễ dàng của một số loài nấm, khuẩn gây nên sự thối mục đen toàn bộ rễ cây. Khi cây bị nhiễm bệnh sớm (giai đoạn vườn ươm, hồi xanh) cây khó phục hồi và chết, nhưng nếu cây bị nhiễm ở giai đoạn muộn hơn (giai đoạn hình thành bắp, phân hoá hoa) cây có thể cho thu hoạch nhưng năng suất giảm, chất lượng kém.

7.2. Đặc điểm của bệnh sưng rễ hại cây họ thập tự

Bệnh do nấm Plasmodiophora brassicae. W gây ra. Là loài nấm cổ sinh đơn bào (không có nhánh, sợi nấm) và là loài nấm ký sinh bắt buộc. Chúng chỉ phát triển và sinh sản trong tế bào ký chủ còn sống mới hoàn tất vòng đời. Nấm có thể tồn tại trong đất 7-10 năm ở dạng bào tử tĩnh, cũng có thể lâu hơn. Bệnh phát triển thích hợp trong đất chua và khoảng nhiệt độ từ 18 - 250C. Tuy nhiên, bệnh chỉ tấn công gây hại cây khi mật độ bào tử trong đất đạt >104 bào tử/1g đất.

Khi phát triển trong cây, bào tử động tiếp tục được hình thành ở pha thứ cấp và tấn công những cây bên cạnh hoặc di chuyển, phát tán xa hơn. Bào tử tĩnh được hình thành rất nhiều trong tàn dư cây bệnh và giải phóng ra đất khi rễ cây bị phân huỷ (thối đen, mục). Nấm bệnh không lây lan qua hạt giống nhưng lây nhiễm gián tiếp qua hạt giống trong quá trình sản xuất và vận chuyển hạt giống.

7.3. Nguyên nhân lây lan bệnh

+ Điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp: Đà Lạt có nhiệt độ trung bình năm từ 18 - 200C phù hợp với nhiệt độ tối thích của bệnh hại; độ pH khá thấp: 4,8 - 5,3; độ ẩm đất khá cao >80%, mặt khác cây rau họ thập tự được trồng quanh năm là những điều kiện ngoại cảnh rất thích hợp để bệnh gây hại nặng do bội nhiễm và mức độ lây lan nhanh.

+ Hầu hết nông dân còn gặp khó khăn trong việc áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ bệnh có hiệu quả:

* Tàn dư cây bệnh sưng rễ không được nông dân tập trung tiêu hủy, phần lớn thu gom trên bờ ruộng hoặc đổ xuống các mương nước tuới tiêu làm cho đất bị bội nhiễm và nguồn nước tưới tiêu bị nhiễm bệnh sưng rễ gây lây lan nhanh cho các ruộng lân cận và khu vực vùng phía thấp.

* Nâng cao độ pH lên >6,5 để hạn chế sự gây hại của nấm sưng rễ tại Lâm Đồng là rất khó. Mặc dù lượng vôi bón lót được khuyến cáo đến 5000 kg/ha/vụ, một số chế phẩm tăng nhanh độ pH đang được nghiên cứu như vôi Hodoo…

* Lựa chọn cây trồng luân canh khó khăn: Nhiều nông dân gặp khó khăn trong việc lựa chọn cây trồng khác để thay thế cây rau họ thập tự trên đất đã bị nhiễm bệnh hoặc không dám tiếp tục trồng rau họ thập tự (nhất là cải bắp) trong khi các biện pháp phòng trừ bệnh hại này chưa được áp dụng đồng bộ trong cộng đồng.

7.4. Quy trình phòng trừ tổng hợp

* Biện pháp PTTH bệnh sưng rễ trên vườn ươm cây họ thập tự

- Xử lý dụng cụ (khay, máy dập khuôn, xẻng, cuốc…) bằng formol 2 - 3% sau mỗi lần sử dụng.

- Xử lý giá thể bằng Biobac 50WP (Pha 50 - 75 g/bình 25 lít nước, phun xử lý cây con trước khi trồng).

- Điều chỉnh độ pH đất của giá thể > 6,5 bằng các loại vôi theo bảng hướng dẫn.

- Sử dụng nước máy, khoan giếng ngầm để tưới. Không được sử dụng nước ao hồ, khe suối.

- Sử dụng các chất kích kháng, phân bón qua lá hợp lý.

- Vệ sinh vườn ươm định kỳ 01 tháng/lần. Tiêu huỷ tàn dư cây con không đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Sau mỗi lần xuất cây con cần vệ sinh vườn ươm và dụng cụ làm vườn.

- Kiểm tra cây con trước khi xuất vườn. Nếu bị nhiễm sưng rễ phải tiêu hủy, chuyển đổi sang gieo ươm loại cây họ khác.

* Biện pháp PTTH bệnh sưng rễ trên vườn trồng

- Biện pháp canh tác

+ Luân canh cây trồng

Thực hiện tốt chế độ luân canh trồng cây rau khác họ thập tự: cà rốt, khoai tây, bố xôi, xà lách…

Đối với đất đã bị nhiễm bệnh nặng, nguồn nước tưới bị nhiễm bệnh: không nên trồng cây họ thập tự . Nếu muốn trồng nên lựa chọn các cây họ thập tự ít nhiễm như: cải thảo, cải dưa, cải cay….

+ Cây con giống

Trồng cây con sạch bệnh và khoẻ mạnh:

+ Tưới tiêu nước

Làm mương tiêu thoát nước tốt, không để đất ngập úng. Tưới nước đủ ẩm trong giai đoạn phát triển thân lá.

+ Phòng ngừa lây nhiễm bệnh

- Sử dụng nguồn nước tưới không bị nhiễm bệnh (nên sử dụng nước giếng khoan, nước máy…).

- Không đưa các vật dụng, dụng cụ có thể đã bị nhiễm bệnh vào ruộng, vườn ươm: Máy cày, máy nông cụ, dụng cụ, giày, ủng, gia súc.

- Triệt để vệ sinh đồng ruộng: Thu dọn cỏ dại, tiêu huỷ tàn dư cây bệnh trên ruộng đặc biệt là phải thu dọn hết gốc cây, rễ cây trước khi làm đất (đào hố chôn xa nguồn nước, rắc vôi tiệt trùng, đốt…).

+ Bón vôi

Là biện pháp hữu hiệu tại Đà Lạt nhằm nâng cao độ pH thích hợp để hạn chế bệnh phát triển (pH > 6.5). Sử dụng các loại vôi có hàm lượng CaO cao như Hodoo, vôi tôi… Liều lượng vôi bón tuỳ thuộc vào độ pH hiện tại của đất, loại đất, loại vôi theo bảng tham khảo sau:

pH hiện tại của đất

4.5

5.0

5.5

6.0

6.5

7.0

Lượng vôi cần bón (kg/1000m2)

748

558

488

341

244

195

+ Chế độ bón phân cân đối, hợp lý

* Biện pháp vật lý

- Nhổ bỏ, gom và tiêu huỷ sớm các cây bị nhiễm bệnh: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và nhổ bỏ tập trung các cây nhiễm bệnh để tiêu huỷ: đốt (dùng dầu gasoil đốt các rễ (củ), tàn dư cây bệnh) chôn vào hố đào sẵn (hố đào xa nguồn nước, rải vôi vào hố, vào chỗ cây đã nhổ bỏ) hoặc ủ composting. Không để cây bị nhiễm bệnh thối mục trên ruộng (nhổ sớm trước khi củ thối đen).

- Tuyệt đối không vứt cây bị nhiễm bệnh lên bờ, xuống mương suối hoặc nguồn nước.

- Tàn dư thực vật sau thu hoạch: Thu gom toàn bộ rễ cây họ thập tự sau thu hoạch để tiêu huỷ bằng phương pháp đốt, chôn hoặc ủ phân composting.

* Biện pháp sinh học

Bẫy cây trồng: trồng dày cây họ thập tự ngắn ngày như cải ram, cải cay… để kích thích bào tử tĩnh trong đất nảy mầm (thu hoạch toàn bộ cây, rễ sau trồng 3-4 tuần lễ để cắt đứt chu kỳ vòng đời của nấm bệnh; phải xử lý thu gom và tiêu huỷ rễ bị sưng). Nên gieo trồng tiếp vụ nhiều vụ cây họ thập tự ngắn ngày hoặc có thể trồng cây họ thập tự ở các vụ sau khi nguồn bệnh trong đất giảm. Mùa nắng phải tủ rơm khi gieo hạt để tránh làm chết hạt.

Xử lý xông hơi khử trùng ITC: Sử dụng tàn dư lá cây họ thập tự có nhiều chất cay để xông hơi khử trùng đất (5 tấn lá/1000m2 cày vùi và tưới nước 5 - 7 ngày trước khi trồng ). Biện pháp này chỉ sử dụng được đối với những khu vực có nguồn tàn dư lá cây họ thập tự phong phú.

Sử dụng chất kích kháng, nấm đối kháng: Sử dụng nấm Trichoderma (ĐH Cần Thơ, Tân Tiến...) với liều lượng 80 - 150kg/ha trước khi trồng, phun chất kích kháng Exin 4,5HP liều lượng 0,5 - 0,75 lít/ha sau khi cây bén rễ hồi xanh.

* Biện pháp hoá học

Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 02 hoạt chất dạng đơn với 02 tên thương phẩm, 01 hoạt chất dạng hỗn hợp với 01 tên thương phẩm đăng ký trừ bệnh sưng rễ trên rau họ thập tự, trong đó bán phổ biến tại Lâm Đồng là:

+ Bacillus subtilis (Biobac 50WP);

+ Chaetomium sp + Tricoderma sp (Mocabi SL);

+ Copper citrate (Heroga 6.4SL).

Lưu ý: Sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, liều lượng sử dụng các loại thuốc theo khuyến cáo trên bao bì.

- Các loại thuốc chứa hoạt chất Carbendazim, Benomyl, Thiophanate Methyl chỉ được buôn bán và sử dụng đến hết ngày 03/01/2019 (theo Quyết định số 03/QĐ-BNN-BVTV ngày 03/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT)

- Các loại thuốc chứa hoạt chất 2,4 D; Paraquat chỉ được buôn bán và sử dụng đến hết ngày 08/02/2019 (theo Quyết định số 03/QĐ-BNN-BVTV ngày 08/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT)